PHẦN 1: CON ĐƯỜNG NUÔI DƯỠNG SỰ SÁNG TẠO TRONG PPGD MONTESSORI

Mấy hôm trước mình vừa tham dự một khóa học về STEAM và Pre-STEAM. Mọi thứ đều tương đối ổn. Chương trình trình bày ko phù hợp lắm với cấp học của mình, nhưng mình cũng tìm thêm được những điểm sáng để mang tặng cho lũ trẻ của mình trong những ngày sắp tới. Thật sự biết ơn về những điều đó. Duy chỉ có 1 câu mình không đồng ý lắm: “Phương pháp này phát triển sự sáng tạo chứ ko chỉ phát triển nhận thức như phương pháp Montessori”. Không biết các nhà giáo Montessori có… “chột dạ” và đâu đó tự nhìn lại mình hay cách giảng dạy của mình trong suốt quá trình làm việc không. Với mình thì cũng khiến mình có một vài suy nghĩ.
Câu hỏi đặt ra là: Sự sáng tạo diễn ra như thế nào? Cần có điều gì để có được sự sáng tạo? Sáng tạo liệu có phải là mục tiêu duy nhất của giáo dục?

Mình muốn viết vài dòng suy nghĩ của mình để làm rõ vấn đề này.

PHẦN 1: SÁNG TẠO LÀ CẤP ĐỘ CAO NHẤT CỦA QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC

Đầu tiên chúng ta xem xét Quá trình sự sáng tạo được diễn ra. Những người bạn vẽ tranh, cầm bút viết văn làm thơ, hay đơn giản viết một status li kì trên fb, quá trình xuất bản ý tưởng diễn ra như thế nào? Nó chắc chắn phải xuất phát từ một yếu tố xuất hiện trong thực tế. Yếu tố đấy có thể là một câu chuyện xảy ra xung quanh người sáng tạo, có thể là một bông hoa ven đường hoặc một gợn mây truyền cảm hứng.

Chúng ta có thể xem lại một lần nữa tháp Bloom, trong đó các cấp độ nhận thức sẽ đi lần lượt từ việc: Nhớ (Remembering) - Hiểu (Understanding) - Áp dụng (Applying) - Phân tích (Analyzing) - Đánh giá (Evaluating) - Sáng tạo (Creating).

Như vậy, khi tiếp xúc với một kiến thức mới bất kì, việc đầu tiên của con người là nhớ và hiểu (lĩnh hội). Nếu kiến thức đó có sự kết nối với bên trong con người đó, sự nhớ và lĩnh hội này có thể diễn ra nhanh hơn. Ví dụ, 1 em bé yêu thích vẽ và có một chút thiên phú sinh ra cho việc vẽ, nếu được mở đường, em bé sẽ mau chóng lĩnh hội để có được khả năng biểu đạt bằng hình ảnh ở mức độ cao hơn (Trong quá trình quan sát của mình, mình thấy gần như em bé nào cũng có khả năng biểu đạt suy nghĩ bằng hình ảnh, và chỉ cần con có thể biểu đạt suy nghĩ của mình chứ ko phải của người khác, thì đó gọi là tác phẩm rồi). Hoặc là một người trong lòng vốn đã sẵn sợi suy nghĩ tâm linh, có thể dễ dàng nghe Kinh hiểu Pháp, khác với một vài người sẽ cần quá trình để chiêm nghiệm và thẩm thấu…. Các nấc thang nhận thức cứ thế lần lượt diễn ra. Nếu thuận lợi, con người có thể đi đến bước cuối cùng là sáng tạo dựa trên nền tảng kiến thức đó. Nghệ sĩ đạt đến mức độ sáng tạo cao có thể sáng tác ra một tác phẩm có giá trị; Một thầy cô giáo khi đạt đến mức độ sáng tạo cao trong giảng dạy, hiện thân của họ có thể là bài học, hoặc họ có thể tạo ra bài học khi không có thứ gì đó xung quanh.

Mình vẫn muốn có một chút phân biệt nhỏ giữa sản phẩm sáng tạo và ý tưởng. Điều này giống như sự trân trọng sự lao động của những người làm việc tạo ra sản phẩm sáng tạo, chí ít là những người mình quen. Thành quả của sản phẩm sáng tạo thì ý tưởng không là duy nhất, nó thực sự là sản phẩm của lao động. “Thiên tài chỉ có 1% là trí thông minh, còn 99% là lao động”. Montessori hướng dẫn đứa trẻ làm việc bằng đôi tay và yêu lao động – từ bên trong.

Ý tưởng – mình tin rằng ai cũng có. Nhưng Ý tưởng phát triển thành sản phẩm sáng tạo không thể không cần một quá trình “xây tháp” ở các cấp độ bên dưới như trong tháp Bloom. Vì vậy khi chúng ta nhận ra những ý tưởng của đứa trẻ, chúng ta ghi nhận chúng, trân trọng chúng, nhưng cũng cần điềm tĩnh trước chúng. Giống như là một hạt giống tốt, chúng ta không kích hoạt giống như hoocmoon và kích thích nó. Chúng ta chăm chỉ và ân cần tưới tắm cho nó. Cho nó đủ dưỡng chất và một vài khắc nghiệt nhất định, để nó có thể nở bung đúng lúc và đẹp đẽ.

Sáng tạo là cấp độ cao nhất trong quá trình nhận thức. Vì thế nó thật sự rất khó. Vì nó khó và hiếm người đạt tới nên thường mang lại cảm giác khát khao, thèm muốn cho đa số những người chưa có được nó. Các bậc cha mẹ mong muốn sự sáng tạo cho con mình, các nhà kinh doanh giáo dục đưa sáng tạo ra là một chủ đề để nói chuyện với Phụ huynh. Nhưng theo suy nghĩ cá nhân của mình, sáng tạo vốn là một quá trình, và nó không thể đạt được trong một thời điểm nhất định. Đương nhiên trong quá trình đó còn có cả cảm xúc bừng sáng và thuyết phục, hoặc một vài cảm xúc khác.

Vậy Montessori đưa đứa trẻ đến cấp độ sáng tạo này như thế nào?
Image Name

Chúng ta có thể thử với 1 giáo cụ quen thuộc: Tháp hồng.

Ở cấp độ 1, “nhớ” tháp hồng. Đứa trẻ được khám phá khối tháp hồng trong yên lặng, với các nguyên tắc đã được đặt ra. Hoạt động nhớ này được diễn ra tự do, và tùy vào lúc nào đứa trẻ thích. Trong môi trường Montessori, đứa trẻ được cung cấp khoảng thời gian yên lặng này với gần như mọi thứ trong môi trường, dưới sự dõi theo của một người hiểu biết và khách quan, một người được trang bị những kiến thức về tâm lý trẻ và một tâm hồn mở rộng để sẵn sàng ghi chép khách quan và chào đón những điều mà đứa trẻ tạo ra. Xin lưu ý rằng, điều đó là với gần như mọi thứ chứ không phải chỉ riêng giáo cụ (trừ một vài thứ cần có sự kiểm soát nhất định để đảm bảo, ví dụ an toàn, hay một số điều khác mà trong bài viết này không diễn giải được hết)

Ở cấp độ 2, “hiểu” tháp hồng. Tháp hồng là một giáo cụ tinh vi với độ chính xác cao độ, từ 1cm3 đến 10cm3. Nếu chúng ta để ý, trong tự nhiên, ví dụ cấu trúc 1 bông hoa, 1 chiếc lá cũng có sự chính xác tinh vi để tạo nên vẻ đẹp của chúng (ví dụ đối xứng, đồng tâm…). Tháp hồng là một thứ giúp đứa trẻ có thể cảm nhận rõ sự tinh tế là gì bằng việc được giáo viên hướng dẫn trong yên lặng và chỉ cảm nhận thôi – Sự chính xác và tạo nên một chiếc tháp đẹp đẽ và cân xứng. “Hiểu” tháp hồng sẽ còn được củng cố bằng bài học ngôn ngữ, để em bé có thể biểu đạt chính xác những gì nhìn thấy bằng thị giác.

Ở cấp độ 3, “áp dụng” tháp hồng. Đứa trẻ sử dụng tháp hồng để chơi trong 1 loạt trò chơi. Trong loạt trò chơi này, hình ảnh tháp hồng ở cấp độ 1 và 2 được đưa vào trí óc và liên hệ với cảm nhận bằng bàn tay của đứa trẻ.

Ở cấp độ 4, “phân tích” tháp hồng. Lúc này đứa trẻ đã làm chủ được tháp hồng bằng thị giác, đôi bàn tay, trí óc của chúng. Lúc này đứa trẻ ko được sử dụng thị giác liên tục nữa, thị giác sẽ có những quãng nghỉ để trí óc và bàn tay làm việc – Trong quá trình đó, tư duy dần dần được diễn ra.

Ở cấp độ 5, “đánh giá” tháp hồng. Lúc này trẻ thực hiện các hình ảnh biến thể của tháp hồng – xếp tháp hồng theo những cách khác. Đứa trẻ sẽ sáng tạo bằng những khối gỗ mô phạm, nó giống với công việc của một nhà khoa học, cần 1 chút cần cù và một chút hứng thú.

Ở cấp độ 6, “sáng tạo” với tháp hồng. Lúc này trẻ có thể xếp những khối tháp hồng (và kể cả kết hợp với giáo cụ khác) mà không theo một công thức nào cả. Điều đáng nói là, tất cả những giáo cụ của Montessori là những khối gỗ mô phạm, nó là hình khối cơ bản – là xuất phát điểm của mọi công trình kiến trúc, và từ đây trí tưởng tượng của trẻ được mở rộng từ những hình khối cơ bản nhất.

Một vài trải nghiệm cá nhân:
Mình rất thích ăn chay. Mình hiểu rằng ăn chay chính là phóng sinh chân thực nhất. Chế độ ăn của mình ít đạm và thiên về chay. Nhưng thú thật thỉnh thoảng mình vẫn thèm… thịt. Mình có chia sẻ điều này với Sư phụ của mình. Thầy bảo rằng: Nếu kiếp này chưa thể ăn chay, hãy cầu nguyện để kiếp sau có thể ăn chay.

Lời thầy nói cách đây đã nhiều năm nhưng gần đây mình mới ngộ ra được: Cần phải tôn trọng quá trình tiến hóa của mình. Quá trình tiến hóa không chỉ một kiếp, mà có thể là nhiều kiếp, những bước đi trong hiện tại là những bước đi chậm rãi nhưng vững chắc. Như dòng nước chảy, dù chậm nhưng mình vẫn đang đi.

Gần đây mình học Yoga, mình mới hiểu cấp độ cao nhất của Yoga là “định”, và đạt được sự hòa hợp: “Một là tất cả”. Một cảnh giới rất cao. Còn cấp độ của mình bây giờ còn đang là rèn thân, rèn tâm, rèn trí. Mà trước hết là thân. Thân- tâm - trí có vững chắc thì mới đến các cấp độ khác. Vậy mà ba điều đó cũng khiến mình vất vả trồi lên trụt xuống thì cần nhẫn với nó đã, thân – tâm chưa chắc mà trí đã vươn đến tầm cao thì cũng dễ si mạn quá.

Càng học, càng thấy cần phải lắng xuống mà học hỏi thôi.

Lúa chín, còn có thể cúi đầu.

PHẦN 2: TRÍ TƯỞNG TƯỢNG & NHẬN THỨC LÀ NGƯỜI BẠN ĐƯỜNG CỦA SÁNG TẠO (Tiếp theo)

Lê Hằng Nga
Founder of Nido Ecopark School Montessorian 0-6Y (MIA&AMS)