Chúng ta nói đến yếu tố thứ nhất, trí tưởng tượng.
Một cô bé khác, bạn thân của con trai mình, lúc nào cũng quả quyết rằng, con chỉ muốn làm một con chim nhỏ sống trên một cái nhà cây. Con sẽ làm một cái nhà trên cây và con sẽ sống trên đó.
Một cô bé không bao giờ gọi kẹo bông là kẹo bông, con thường gọi là kẹo mây, vì trông nó giống đám mây. Mình nói rằng: “Ồ, trông nó thật giống đám mây. Không biết chúng ta có ăn mây được như kẹo bông không nhỉ? Không biết mây có vị ngọt không nữa?”.
Bé con nhà mình không gọi súp lơ là súp lơ, mà con thường nói là rau khinh khí cầu, vì trông nó giống khinh khí cầu.
Một cô bé khác nữa, trong lớp học của mình, mỗi ngày đều đến lớp và kể cho mình một câu chuyện mới. Một giấc mơ mà cô ấy đã mơ đêm qua – hầu hết mọi thứ đều rất li kì và liên quan đến việc ăn chơi ngủ nghỉ của con ngày hôm trước. Ngày 20-11, cô bé tặng mình một bức tranh tự con vẽ, một bức tranh có nàng tiên cá thích uống nước Dâu Tây – vì thế biển nơi nàng ấy sống cũng có màu đỏ. Thật là thú vị và ngạc nhiên phải không?
Các bạn đoán xem, trong những trường hợp này các nhà giáo Montessori sẽ giao tiếp như thế nào với đứa trẻ? Thật ra không có một khuôn mẫu nào cả. Nhưng có sự khẳng định chắc chắn một điều rằng, những điều như vậy LUÔN ĐƯỢC CHÀO ĐÓN trong lớp học Montessori.
Bởi vì sao? Bởi vì đó là ý tưởng của TRẺ. Chứ không phải sản phẩm của người lớn TRAO CHO ĐỨA TRẺ. Những ý tưởng của trẻ như này được người lớn nâng niu, như nâng niu một hạt mầm chưa đến ngày hiển lộ.
Đến đây sẽ có một vài suy nghĩ rằng, tại sao đứa trẻ nhỏ có thể có những ý tưởng giàu hình ảnh ngay lập tức mà không cần phải trải qua các cấp độ rất dài (ở bài viết trước) có vẻ như chỉ dành cho người lớn kia?
Mình nghĩ rằng vì đứa trẻ đang sở hữu một tài sản quý giá là trí tưởng tượng. Ở thuở bình minh của nhận thức, khi vốn liếng kinh nghiệm chưa đủ để nhận thức vấn đề, trẻ sẽ dùng trí tưởng tượng nhiều hơn. Trong lúc này hay lúc khác, trí tưởng tượng đó có thể tạo ra sản phẩm sáng tạo. Sản phẩm sáng tạo này có thể tỏa sáng bình thường và không vững chắc, có thể tỏa sáng rực rỡ và vững chắc, điều này có một chút ăn may.
Montessori có sự phân biệt rõ ràng giữa tưởng tượng và ảo tưởng. Vậy 2 điều đó khác nhau như thế nào? Ảo tưởng là những yếu tố phi hiện thực mà người lớn cung cấp cho đứa trẻ. Còn tưởng tượng là những gì tạo ra nhờ kinh nghiệm, vốn sống, tâm hồn và trí thông minh của đầu óc. (Để viết kĩ về chủ đề này, có lẽ cần một bài viết khác). Nếu như nói rằng có cái gì đó tạo nên sức sống cho đứa trẻ, mình tin rằng đó là trí tưởng tượng. Đứa trẻ tận dụng mọi vốn liếng tích lũy của mình để tiếp tục tự làm phong phú thế giới nhận thức của mình.
Tưởng tượng trong Montessori luôn xuất phát từ 1 yếu tố thực tế. Montessori cho rằng việc cung cấp những yếu tố phi hiện thực – không có sợi dây liên hệ gì với thực tế, không có tính sự thật là biểu hiện của việc lợi dụng trí thông minh còn non nớt của trẻ. Người lớn là cầu nối quan trọng của trẻ với thế giới, vì vậy nghĩa vụ của người lớn là tôn trọng “con người mới” ấy bằng cách giới thiệu về thế giới một cách chân thực, sáng rõ, giàu hình ảnh và theo cách phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Vậy nên ở đây mình nghĩ có 2 vấn đề:
SỐ MỘT, nếu dập tắt trí tưởng tượng của trẻ thì cũng có khả năng làm sự sáng tạo của trẻ bị vùi dập. Phủ định ngay ý tưởng tưởng tượng của trẻ và gạt nó ra ngoài cuộc nói chuyện. Điều này không cần nói nhiều, mọi người đều thấy tác dụng phụ.
SỐ HAI, nếu coi sản phẩm sáng tạo đó là tối thượng và duy nhất thì cũng khiến cho khả năng sáng tạo rực rỡ hơn nữa không có cơ hội được tỏa sáng. Không có trải nghiệm, em bé cũng có thể vẽ được tranh. Nhưng có thời gian để làm việc với đôi tay nhuần nhuyễn, có thời gian cảm nhận tinh tế về màu sắc, hình dáng, kích thước, học các sử dụng công cụ v.v... sự thể hiện của em bé sẽ tốt hơn. Không biết nhạc, em bé có thể hát, nhưng có thời gian cảm về thang âm đô trưởng, lời hát có thể được bật ra dễ dàng hơn, hay hơn. Không có vốn từ nhiều, ta có thể viết, nhưng có vốn từ nhiều, ta có thể viết hay hơn. Montessori cung cấp khoảng thời gian làm việc với đôi tay và các giáo cụ giác quan để làm tinh tế tất cả những điều này.
(Ở đây không có nghĩa rằng bạn không thể phát triển ý tưởng - trí tưởng tượng của bạn thành sản phẩm sáng tạo. Mà ý rằng, nếu bạn muốn có tác phẩm có giá trị, bạn thực sự phải suy tư cho nó)
YẾU TỐ THỨ HAI, KIẾN THỨC NỀN
Đến đây sẽ có ý tưởng cho rằng, kiến thức luôn luôn thay đổi. Điều gì xảy ra nếu chúng ta cứ cung cấp những thứ chúng ta đã biết cho đứa trẻ?
Có 4 lưu ý cho điều này.
Một, như mình đã viết ở bài trước, dòng chảy cuộc sống vẫn đang diễn ra một cách sống động, chậm rãi nhưng vững chắc.
Bạn nói cho đứa trẻ một điều ngày xưa bố mẹ bạn đã từng nói với bạn. Nhưng nay đứa trẻ đã sống trong một thế giới khác, với những trải nghiệm khác. Đầu ra của kiến thức đó đã có sự tiếp nhận khác rồi. Huống hồ nếu bạn còn có cách nhìn mới với những kiến thức đó từ bên trong, thì cách bạn tiếp nhận cũng sẽ khác với cách mà ngày xưa bố mẹ bạn đã tiếp nhận từ ông bà. Nên có những điều mà bạn nghĩ là bạn đang làm điều cũ, nhưng nó đang thay đổi, chỉ có điều đến bạn cũng chẳng nhận ra.
Hai, trí tưởng tượng cần được nuôi dưỡng song hành với việc cung cấp kiến thức nền một cách vừa đủ thì mới có thể giúp trẻ tiến đến thành quả sáng tạo cao nhất. Bản chất của Sáng tạo là phát triển kiến thức mới dựa trên nền tảng kiến thức cũ.
Mình có đọc một vài bài viết nói rằng khi cung cấp kiến thức thì trí tưởng tượng thì bị vùi lấp. Việc cung cấp kiến thức cũng giống như việc đưa thức ăn cho trí não. Đưa thức ăn phù hợp thì não khỏe, đưa thức ăn nhiều quá thì não không tiêu hóa được, và đưa thức ăn mà não ko thích thì não cứ ăn thôi nhưng chẳng hấp thu (giống dạ dày thật! ). Vậy nên việc đưa hay ko đưa, đưa bao nhiêu, liều lượng như thế nào sẽ phù thuộc vào nhu cầu của bộ não đó đến đâu. Khi thực hiện một công việc phác thảo ý tưởng, ý tưởng mang tính khả thi sẽ bật ra bất kì lúc nào trong quá trình tiếp nhận, sàng lọc thông tin. Nếu chỉ ngồi không một chỗ, ý tưởng đó, e rằng là chỉ nằm đẹp đẽ trên giấy. Vậy nên, mình nghĩ rằng một người thầy tốt, là một người có thể cung cấp kiến thức vừa đủ để nâng đỡ cho trí tưởng tượng phát triển thành sản phẩm sáng tạo.
Trong quá trình sản phẩm sáng tạo hình thành, người thầy tĩnh tại đi bên cạnh và gieo vào đứa trẻ một hạt giống nhận thức vừa đủ để đứa trẻ đi đến nấc thang cao hơn cho trí tưởng tượng của riêng mình. Điều này không chỉ đúng với đứa trẻ mà còn đúng với người lớn. Mình cho rằng trí tưởng tượng vốn là một năng lực có sẵn của con người và nó ko mất đi, chỉ có thể là xem nó đi xa đến đâu mà thôi. Xa đến đâu, ko thể thiếu hạt giống của nhận thức.
Một phụ huynh share một bài viết rằng con mình nhìn vết nứt trên tường và tưởng tượng ra rằng đấy là bản đồ nước Mỹ hay bản đồ Việt Nam. Đây không phải là sáng tạo, đây là trí tưởng tượng – là người bạn đường sẽ đồng hành để tạo nên sản phẩm sáng tạo. Nếu trước đó trẻ chưa từng được cung cấp kiến thức đó, đứa trẻ cũng không thể gọi tên châu Mỹ và hay Việt Nam. Kiến thức nền này chỉ là phần chất liệu để chắp cánh cho trí tưởng tượng của trẻ mà thôi. Đây chỉ là một ví dụ đơn thuần, sự sáng tạo dù là nhỏ nhất (một cách làm mới, một món ăn mới, một thao tác mới trong một công việc…) bạn thử ngẫm lại xem, bạn cần biết ơn điều gì bạn đã làm trước đó?
Người xưa sáng tạo ra công cụ săn bắt hái lượm dựa trên vốn kinh nghiệm đi tìm kiếm thức ăn của họ. Toán học ra đời dựa trên kinh nghiệm về sự tích trữ và trao đổi lương thực của người xưa. Và sự sáng tạo cứ liên tục được tạo ra từ đời này đến đời khác như vậy, không ai có thể tự sáng tạo ra kiến thức mà đó vốn là sự kế thừa. Từ trong sâu thẳm luôn luôn có sự kế thừa. Và tôn trọng giá trị của kiến thức nền, với mình là một sự tri ân. Bạn không bao giờ sử dụng những kiến thức bạn từng học, không có nghĩa là nó ko có giá trị với bạn, nó đã ngấm vào tâm trí bạn một lúc nào đó, theo một cách nào đó, và con người mới của bạn hôm nay không thể phủ nhận giá trị kế thừa của con người cũ của bạn trước đó. Do vậy, cần có sự biết ơn. Nếu một ai đó quay lại phủ nhận những điều đã học (dù là bất cứ điều gì) – Mình đều cho rằng đó là sự vô ơn (Bảo thủ không nhỉ?!). Hơi vớ vẩn nhưng đó chính là lí do mình viết cái bài dài ngoằng này.
Ba, kiến thức cung cấp cho trẻ cần giàu hình ảnh, mang màu sắc của trí tưởng tượng (phù hợp với lứa tuổi của trẻ thời kì này) và liều lượng vừa đủ. Hôm trước có cô giáo nói với mình khi mình dạy môn Địa lý: “Chị xóa tan nỗi sợ của em về địa lý”. Đa số mọi người thấy kiến thức rộng lớn vì mọi người có nỗi sợ. Còn nếu coi đó là những thứ nhẹ nhàng đơn giản là mình chưa biết, thì cũng bình thường thôi.
Mọi người có thể thấy lượng kiến thức của Montessori khá nhiều với độ tuổi 3-6, nhưng với trải nghiệm của mình thì mình lại thấy nó thậm chí không nhiều lắm, nó vừa đủ và cơ bản để trẻ có hành trang khám phá thế giới, nếu người lớn và Phụ huynh thoải mái với điều đó, không quá bận lòng và áp lực vì nó. Nó chỉ là thứ hành trang để trang bị, nếu cần, người lớn có để dùng. Mình sẽ không bao giờ nói rằng: “Đây là mô hình Trái đất. Con hãy nhớ đi, mô hình trái đất”. Mình sẽ kể cho bạn nhỏ nghe về câu chuyện một phi công vũ trụ đã ngắm nhìn trái đất từ một khung cửa sổ đặc biệt, khung cửa sổ cách mặt đất tới tận 400km, dưới tiếng đàn hân hoan về cảnh sắc tuyệt đẹp mà mình nhìn thấy… (Đó là một câu chuyện có thật, và người nghệ sĩ phi công vũ trụ đó có thật, nếu mọi người muốn, hãy thử tìm hiểu xem là ai nhé). Cuộc sống vốn là trang thơ giàu cổ tích, tất cả chỉ phụ thuộc vào ánh mắt ta nhìn.
Bốn, CUNG CẤP kiến thức và CỐ ĐỊNH kiến thức là hai việc hoàn toàn khác nhau. Đây là điều vô cùng tinh tế và khó trong việc cung cấp kiến thức. Làm sao để kiến thức vẫn đủ nhưng không quá nhiều để trẻ có thể có tiền đề để khám phá tiếp? Giống như người bơi lội giữa dòng nước thấy một khúc gỗ bồng bềnh, và họ biết rằng đất liền đang ở gần đó. Việc bơi đến đất liền là công việc của họ. Thấy khúc gỗ sẽ khơi gợi động lực bên trong, và đất liền chính là động lực bên ngoài.
Mình tạm thời không biết lí giải điều này sao cho dễ hiểu, mình chỉ biết rằng đó là điều mình đang để tâm rèn luyện. “Giáo dục không phải là chiếc bình rỗng đổ đầy, giáo dục là truyền cảm hứng”.
PHẦN 3: SÁNG TẠO QUAN TRỌNG NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ MỤC TIÊU DUY NHẤT CỦA GIÁO DỤC (Tiếp theo)
Xem phần 1 (SÁNG TẠO LÀ CẤP ĐỘ CAO NHẤT CỦA QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC) ở đây